Tuổi trẻ Bayinnaung

Tổ tiên

Vị vua tương lại được sinh ra với cái tên Ye Htut (ရဲထွတ်, IPA: [jɛ́ tʰʊʔ]) vào ngày 16 tháng 1 năm 1516. Ông là con của Mingyi SweShin Myo Myat. Không có nhiều điều được biết đến về tổ tiên của ông. Không có bất cứ tài liệu đương thời nào đề cập đến tổ tiên của ông, kế cả cuốn biên niên sử đồ sộ Hanthawaddy Hsinbyushin Ayedawbon viết về triều đại của ông được viết hai năm trước khi ông mất.[5] Chỉ đến năm 1724, tức là 143 năm sau khi nhà vua băng hà, cuốn biên niên sử chính thức Maha Yazawin của triều Toungoo mới lần đầu tiên đề cập đến gia phả của ông. Theo cuốn Maha Yazawin, ông được sinh ra trong một gia đình quý tộc ở Toungoo (Taungoo), lúc bấy giờ vốn là chư hầu của triều Ava. Ông là hậu duệ của Phó vương xứ Taungoo Tarabya (cai trị từ 1440-1446) và Minkhaung I (cai trị 1446-1451) theo bên nội và là hậu duệ của vua Thihathu xứ Pinya (cai trị 1310-1325) cùng hoàng hậu Mi Saw U theo bên ngoại.[6] Ngoài ra, Ye Htut còn là họ hàng xa của Mingyi Nyo, nhà cai trị xứ Toungoo lúc bấy giờ, và con trai ông ta Tabinshwehti thông qua tổ tiên chung là Tarabya xứ Pakhan.[note 1] Các tại liệu đời sau đều gần như ghi chép y hệt cuốn Maha Yazawin.[5] Nói chung, mọi cuốn biên niên sử đều chỉ ra sự liên kết giữa ông và tất cả các triều đại đã từng tồn tại ở vùng Thượng Miến Điện như triều Ava, Sagaing, Myinsaing-PinyaPagan.

Khác hẳn so với phiên bản chính thức về dòng dõi hoàng tộc, truyền thuyết dân gian truyền miệng lại đề cập đến một gia phả không có gì để có thể gọi là vĩ đại. Theo phiên bản này, cha mẹ ông là dân thường đến từ vùng Ngathayauk thuộc Pagan hoặc làng Htihlaing thuộc Toungoo và cha ông làm nghề trèo cây thốt nốt - một trong những nghề nghiệp mạt hạng trong xã hội Miến Điện thời bấy giờ. Những câu chuyện kể về nguồn gốc thường dân của ông trở nên phổ biến và nổi tiếng trong những năm đầu thế kỷ 20 thời thuộc Anh khi mà những tri thức yêu nước như nhà văn Po Kya muốn chứng minh rằng ngay cả con trai của kẻ trèo cây thốt nốt cũng có trở thành vị hoàng đế vĩ đại nhất của Miến Điện.[7] Tuy nhiên, việc một người làm nghề thấp kém cũng không ngăn cản việc người đó mang trong mình dòng máu quý tộc.[note 2]

Thời thơ ấu và sự giáo dục

Dù cho nguồn gốc và địa vị xã hội có ra sao đi nữa, thì cả cha và mẹ ông đều được chọn để trở thành thành phần trong một nhóm bảy người phục vụ cho vị hoàng tử mới chào đời Tabinshwehti vào tháng 4 năm 1516. Mẹ của Ye Htut được chọn làm nhũ mẫu của vị tân thái tử. Cả gia đình chuyển vào sống trong cung cấm trong cung điện Toungoo và cặp đôi có thêm 3 người con trai tại đây. Ye Htut có một chị gái tên là Khin Hpone Soe và 3 đứa em trai là Minye Sithu, Thado Dhamma Yaza II và một người bị chết non. Ngoài ra, ông còn có hai người em cùng cha khác mẹ, là Minkhaung II và Thado Minsaw. Cả hai đều là con của dì ruột và bố ông.[8]

Ye Htut lớn lên với thái tử cùng và những người con khác của nhà vua bao gồm công chúa Thakin Gyi, người sau này trở thành hoàng hậu của ông. Ông được đào tạo trong cung điện cùng với thái tử và những đứa trẻ khác. Vua Mingyi Nyo yêu cầu con trai mình phải được đào tạo theo kỹ thuật quân đội. Do đó Tabinshwehti cùng với Ye Htut cùng những đứa trẻ khác được dạy võ, cưỡi ngựa, cưỡi voi cũng như binh pháp.[9] Qua đó, Ye Htut trở thành cánh tay phải của thái tử.[10]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bayinnaung http://www.irrawaddymedia.com/article.php?art_id=6... http://www.irrawaddymedia.com/article.php?art_id=6... http://www.irrawaddymedia.com/article.php?art_id=6... http://lakdiva.com/suntimes/970406/plus2.html http://www.ari.nus.edu.sg/docs/wps/wps06_064.pdf http://www.arts.chula.ac.th/~complit/event/hantawa... http://web.soas.ac.uk/burma/1.2%20PDF%20FILES/1.2%... http://web.soas.ac.uk/burma/pdf/Federici.pdf http://web.soas.ac.uk/burma/pdf/Ferquist1.pdf